(Baothanhhoa.vn) - Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dệt may đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển sản xuất, đổi mới công nghệ là giải pháp mà các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh hướng tới.
Công nhân Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn) trong ca sản xuất.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh ở huyện Quảng Xương hiện có 450 công nhân với 10 chuyền may, chủ yếu gia công hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, Mỹ. Để tạo được giá trị lợi nhuận cao công ty đang thực hiện tiết kiệm chi phí từ việc sử dụng nhân công, chi phí vận hành sản xuất, chi phí quản lý và không gây lãng phí tài nguyên. So với các phương pháp may mặc truyền thống thường sử dụng sức người, sức của, thì với việc áp dụng thiết bị công nghệ tự động hóa trong sản xuất như đầu tư máy trải vải tự động, máy may tự động... và nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại khác đã góp phần tiết giảm chi phí, hạn chế rủi ro, đồng thời gia tăng sản lượng sản xuất.
Trong vòng 1 phút máy có thể tự động trải được 70m vải. Máy có thể trải 1 chiều hoặc trải kiểu Zig Zag. Hệ thống tự mặc định cắt khi trải vải 1 chiều rồi trả về vị trí ban đầu để thực hiện trải cho các lần tiếp theo, chiều cao các lớp vải trải 1 chiều lên đến 150mm. Đối với vải trải theo kiểu zích-zắc cho chiều cao khoảng 100mm. Máy tải được trọng lượng cây vải khoảng 40kg và đường kính khoảng 350mm... |
Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh Lê Thị Thu Hiền cho biết: Nếu khâu trải vải của phương pháp sản xuất truyền thống thường cần tối thiểu 2 người ở hai bên đầu bàn cắt để thao tác trải vải được nhanh chóng hơn; chưa kể nếu khổ vải lớn có thể cần số lượng nhân công tăng gấp đôi, thì nay việc sử dụng máy trải vải tự động chỉ cần 1 người thực hiện khâu nạp vải và điều chỉnh bằng các nút bấm hiển thị trên màn hình. Lúc này, máy trải vải tự động thực hiện các thao tác tạo nếp gấp và kéo vải trải đều trên bề mặt bàn cắt mà không bị so le hoặc lệch các mép gấp. Sử dụng máy trải vải bàn tự động sẽ cho năng suất trải vải cao. Trong vòng 1 phút máy có thể tự động trải được 70m vải. Máy có thể trải 1 chiều hoặc trải kiểu Zig Zag. Hệ thống tự mặc định cắt khi trải vải 1 chiều rồi trả về vị trí ban đầu để thực hiện trải cho các lần tiếp theo, chiều cao các lớp vải trải 1 chiều lên đến 150mm. Đối với vải trải theo kiểu zích-zắc cho chiều cao khoảng 100mm. Máy tải được trọng lượng cây vải khoảng 40kg và đường kính khoảng 350mm... Các sản phẩm dệt may của công ty sau khi cắt từ máy tự động luôn đảm bảo được thông số, kích thước và tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng.
Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn hiện có 3 nhà máy may gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại thị xã Bỉm Sơn, huyện Yên Định và Thạch Thành, với trên 2.000 công nhân. Hiện đơn vị đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tập trung xây dựng tiêu chí về công nghệ, cũng như về chất lượng, đảm bảo năng suất nguồn cung, phát triển ngành may cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Theo đó, công ty đã quan tâm đào tạo nguồn lao động, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại và triển khai công nghệ đến từng người lao động. Hàng năm tổ chức tập huấn, tìm hiểu công nghệ mới nhất để áp dụng vào quá trình sản xuất như: máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền, máy kiểm tra vải, máy tời vải... Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm tạo ra giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 950 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 87 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 90 tỷ đồng.
Hiện có khoảng 75% doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, từng bước tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, ngành công nghiệp dệt may Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với tổng số 286 doanh nghiệp. Hiện có khoảng 75% doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, từng bước tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng... Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường.
Có được kết quả nêu trên, bên cạnh việc phát huy tốt những thế mạnh như quản trị sản xuất, công tác thị trường, thì việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, triển khai các sáng kiến trong quá trình sản xuất chính là một trong những điểm sáng giúp các doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt qua khó khăn. Điển hình có thể kể đến việc sử dụng các máy móc, thiết bị tự động; số hóa các công đoạn sản xuất; tăng cường sử dụng các phần mềm để giao dịch với khách hàng; thiết kế sản phẩm, chuyển giao mẫu tới khách hàng bằng hình thức trực tuyến... Tuy nhiên, để có thể đảm bảo và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự bình ổn trở lại trong quá trình kết nối, hợp tác, giao thương giữa các nước trên thế giới, ngành dệt may Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa việc ứng dụng và phát huy có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Trịnh Xuân Lâm cho biết: Tri thức và công nghệ luôn là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một ngành công nghiệp. Nhu cầu doanh nghiệp luôn là cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà ngành dệt may đang hướng đến, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là việc làm cần thiết, cần đẩy mạnh triển khai hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, với mục tiêu liên kết, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may, kết nối, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy các thành viên bắt nhịp chuyển đổi số, Hiệp hội Dệt may tỉnh đã và đang tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác, giúp các doanh nghiệp tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất với nhau.
Bài và ảnh: Trần Hằng
[Theo Báo Thanh Hóa- https://baothanhhoa.vn/cong-nghe-moi/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-trong-nganh-det-may/185552.htm]
- Ngành dệt may, da giày đối mặt nhiều thách thức (10.10.2023)
- Nhiều thách thức với ngành dệt may, da giày trong năm 2023 (10.10.2023)
- Ngành may mặc, da giày Việt Nam thích ứng với khó khăn thế nào? (10.10.2023)
- Đơn hàng đã trở lại với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày (10.10.2023)
- Lao động ngành dệt may, da giày bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi làn sóng cắt giảm (10.10.2023)
- Triển lãm lớn nhất ngành dệt may trong 30 năm (18.09.2023)
- Bangladesh làm không đủ bán, vì sao dệt may Việt Nam than thở thiếu đơn hàng? (18.09.2023)
- Túi da làm từ vỏ xoài, quần áo dệt từ sợi dứa hút khách tham quan (23.09.2023)
- Vì sao đơn hàng da giày, dệt may lao dốc? (10.10.2023)
- Dệt may Việt Nam chiếm thị phần chỉ sau Trung Quốc, Vinatex lợi nhuận kỷ lục (18.09.2023)