Theo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân đạt 6,8 - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Đầu tư sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày
Theo định hướng chung, ngành dệt may, da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Theo dự báo, đối với ngành dệt may, tổng cầu thế giới 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5 đến 4% – tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Nguồn: ITN
Cùng với đó, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày, trong đó chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa,….
Về công nghiệp hỗ trợ, chiến lược cũng định hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2035, ngành dệt may và da giày Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Cần thêm “trợ lực”
Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, từ quý IV.2022, những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày. Theo dự kiến, từ nay hết quý II.2023 tình hình mới có thể khả quan hơn, các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.
Mặc dù theo dự báo các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý II.2023, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Với ngành sợi, thị trường sợi vẫn ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.
Chủ tịch Hội May - Thêu - Đan thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết, hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đơn hàng, 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất khi có đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, điều lo lắng với ngành dệt may, da giày hiện nay là sự khan hiếm, cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu. Với các doanh nghiệp lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu không khó do chuỗi cung lớn, nhưng khó với doanh nghiệp nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Tình trạng này kéo dài từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tuy nhiên đang dần được cải thiện.
Qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng khó khăn này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý II tới.
Lương Khiết
[https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-det-may-da-giay-doi-mat-nhieu-thach-thuc-i329848/]
- Canada: thị trường tiềm năng cho dệt may Việt (18.09.2023)
- Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất trong ngành dệt may (23.09.2023)
- Ngành da giày nỗ lực đi tìm đơn hàng (12.07.2023)
- Hội chợ - triển lãm Quốc tế Da và Giày sắp diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (12.07.2023)
- May đo thời kỹ thuật số (08.06.2019)